Ngồi thở
Có người ngồi thiền mỗi lần nửa giờ, bốn mươi lăm phút hoặc nhiều hơn. Ở đây tôi chỉ xin bạn ngồi hai hoặc ba phút. Nếu sau này thấy ngồi thiền dễ chịu, bạn cứ việc ngồi thêm, ngồi bao lâu cũng được.
Nếu trong nhà bạn có bàn thờ Phật thì bạn có thể ngồi trước bàn Phật. Nếu không, bạn chọn một nơi nào thích hợp, có thể là trước cửa sổ, ngồi nhìn ra ngoài trời.
Sắm một bộ gối ngồi thiền gồm bồ đoàn và tọa cụ hoặc nếu không thì dùng một cái gối nhỏ, dày chừng mười tới mười lăm phân, kê dưới mông, hai bàn chân xếp lại đầu gối đặt xuống bên ngoài chiếc gối nhỏ. Như vậy mông và đầu gối trở thành thế ba chân vạc, ngồi rất vững, không kẹt, có thể ngồi lâu không tê chân. Chọn chiếc gối nhỏ có chiều dày thích hợp với bạn. Bạn cũng có thể đốt một cây nhang cho khung cảnh được thanh thoát hơn. Tay cầm cây nhang cho khoan thai, tập trung tâm ý vào việc đốt nhang và cắm nhang vào bình. Làm sao cho có chú tâm (niệm) và tập trung (định) trong khi đốt nhang. Tâm ý hoàn toàn có mặt trong khi đốt nhang. Ngồi xuống, để lưng và đầu thành một đường thật thẳng, thẳng mà không cứng. Thở vào và chú ý tới tác động của hơi thở vào nơi bụng và nơi ngực. Thở ra và chú ý tới tác động của hơi thở ra nơi bụng và nơi ngực.
“Thở vào, tôi để ý tới tác động của hơi thở vào nơi bụng tôi và ngực tôi. Thở ra, tôi để ý tới tác động của hơi thở ra nơi bụng tôi và ngực tôi.”
“Thở vào, tôi ý thức được sự có mặt của toàn thân tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân tôi.”
“Thở vào, tôi ý thức về sự có mặt của những căng thẳng và đau nhức trong toàn thân tôi. Thở ra, tôi buông thả những căng thẳng và đau nhức trong toàn thân tôi.”
“Thở vào, tôi thấy dễ chịu trong khi thở vào. Thở ra, tôi thấy thoải mái trong khi thở ra.”
Bài tập này nếu muốn, bạn có thể thực tập nhiều lần trong ngày, ngay cả ở sở làm, để có thể dừng lại, thư giãn, và nhiều tươi mát hơn.
(Thiền tập cho người bận rộn - Thầy Thích Nhất Hạnh)