Thiền Vipassana và Samatha

Có hai loại thiền trong Phật giáo, Vipassana và Samatha. Cả hai đều là những kỹ năng tâm lý, những thể cách vận hành hoặc những tính chất của tâm thức.

Vipassana có thể được hiểu là “Tuệ”, một sự tỉnh giác sáng suốt về những gì xuất hiện đúng như chính chúng xuất hiện. Trong thiền Vipassana, thiền giả sử dụng sự tập trung như là một công cụ, nhờ đó sự chú tâm có thể phá vỡ bức tường ảo tưởng vốn tách rời mình khỏi cái ánh sáng sống động của thực tại. Đây là một quá trình tiệm tiến của sự chú tâm gia tăng không ngừng vào những vận hành nội tại của chính thực tại. Nó cần trải qua nhiều năm, nhưng một hôm thiền giả đục phá được bức tường ấy và đổ xô vào chỗ tràn đầy ánh sáng, khi ấy sự chuyển hóa đã hoàn tất. Đó gọi là Giải thoát, và là mãi mãi. Giải thoát là mục đích của mọi hệ thống tu tập Phật giáo. Nhưng những con đường để đạt cứu cánh ấy thì hoàn toàn khác nhau.

Thiền Vipassana và Samatha

Samatha có thể được hiểu là “Định” (sự “tập trung”, quán; hay sự “tĩnh lặng”, tịnh, chỉ). Đây là một trạng thái mà tâm được đưa vào sự ngưng nghỉ, chỉ hội tụ duy nhất vào một chủ đề, không được phép lang thang. Khi điều này được thực hiện, một sự tĩnh lặng thâm sâu thấm nhuần thân và tâm, một trạng thái tịch tịnh phải được trải nghiệm để được lĩnh hội.

 

Phần lớn các hệ thống thiền coi trọng Samatha. Thiền giả hội tụ tâm mình vào một số chủ đề như cầu nguyện, một loại chủ đề có sẵn để chọn, một bài kinh, một ngọn nến, một ảnh tượng tôn giáo hoặc bất cứ thứ gì và loại bỏ mọi ý nghĩ và nhận thức khác khỏi tâm thức mình. Kết quả là một trạng thái hỷ lạc kéo dài cho đến khi thiền giả chấm dứt thời gian tọa thiền. Điều ấy thật tốt đẹp, hỷ lạc, ý nghĩa và hấp dẫn, nhưng chỉ là tạm thời.

 

(Thiền sư Henepola Gunaratana)