hương bồ kết

Hương bồ kết dịu dàng một thuở

Hương bồ kết – hương thơm bồi hồi của ngày thơ

Những người lớn, cứ mỗi lần nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ là mỗi lần mắt lại rưng rưng đầy cảm xúc. Hình bóng quê hương thân thuộc, nơi chôn nhau cắt rốn vẫn luôn đọng lại trong trái tim bé nhỏ của những người xa quê, là lũy tre làng sum suê tỏa bóng mát, là con đường đất đầy bùn in dấu chân tuổi thơ. Vào những ngày này cuối năm, trong tiết trời se lạnh với nắng hanh vàng ngoài phố, lòng ta lại bồi hồi nhớ về mùi hương bồ kết.

Ngày trước, ông bà thường trồng cây bồ kết trong vườn nhà nên quanh năm luôn có bồ kết để gội đầu. Đến mùa trái chín, mẹ mang rổ ra nhặt đem phơi khô, sau đó treo ở gác bếp dùng dần. Có khi cây ra trái nhiều quá dùng không hết, ông bà chia cho mọi người trong xóm cùng gội. Cho bồ kết vào bếp lửa nướng chín giòn lên rồi dùng dao cạo cho sạch, bẻ thành từng miếng nhỏ cho vào nồi nước nóng, nước bỗng chuyển sang màu vàng cánh gián đậm đặc, hương bồ kết bắt đầu dịu dàng lan tỏa.

hương bồ kết

Hương bồ kết mướt dài mái tóc những người phụ nữ quê xưa, những bà mẹ thường nấu nước bồ kết rồi nhẹ nhàng dội từng gáo nước thơm lên mái tóc gội đầu cho con gái, sau đó dùng lược răng thưa chải từ chân tóc xuống ngọn tóc. Bồ kết còn được dùng để trị nghẹt mũi, khó thở hoặc viêm xoang. Cho trái bồ kết vào chén đốt cho khói bay lên, xông khói vào mũi sẽ thông thoáng, dễ thở hơn liền.

Cuộc sống giờ đây nơi thành phố ồn ào tất bật, đôi lúc nhớ về ngày tháng đó, chỉ mong được nhìn thấy những trái bồ kết treo trên gác bếp thân thuộc. Giờ chẳng mấy ai còn trồng bồ kết để gội đầu nữa. Hương bồ kết xưa giờ đã nhạt nhòa, có chăng chỉ còn là hoài niệm trong lòng những người xa xứ mãi nhớ về mùi hương bồ kết dịu dàng một thuở.

(Thiên Nhiên Tâm)

Bài viết khác