Tu tâm

Công việc của người tu tập cũng giống như là việc chăn một con trâu. Chúng ta sẽ chăn tâm ý của mình, không để cho nó bay nhảy một cách vô tổ chức. Mình phải rèn luyện làm chủ được tâm ý của mình, tức tu tâm, vì có những lúc tâm chúng ta nó nghĩ thiện và có lúc nó cũng nghĩ những điều bất thiện. Nó nghĩ tới những điều tích cực nhưng mà đôi khi nó cũng nghĩ tới những điều tiêu cực. Có những lúc tâm chúng ta không có sự tham dự của phiền não nên nó rất là trong trẻo. Nhưng mà thường khi thì những suy nghĩ những lời nói và hành động chúng ta đều có sự điều khiển giật dây của phiền não tham sân si, cho nên tu luyện của đạo Phật tức là tu tâm.

Mình tu cái gì thì tu, nhưng mà phải tu tâm, tu tâm dưỡng tánh là ông bà mình hay nói. Như vậy rất là ngắn gọn xúc tích nhưng mà đó là cái cốt tủy của sự tu tập. Thường thì mình rất dễ bị phân tâm, cái tâm mình nó liên tục phóng đi hết nơi này đến nơi khác, và đây chính là nguyên nhân đưa tới khổ đau.

Tất cả các phương pháp tu luyện của đạo Phật đều hướng tới cái sự tu tâm dưỡng tánh, mà trước hết là phải kiểm soát được tâm của mình, làm chủ được tâm ý của mình. Mình muốn nó ở đây thì nó phải ở đây. Thậm chí mình muốn nó được trong trẻo, không có phiền não thì nó cũng phải được như vậy. Mình muốn không giận là mình không giận, mình muốn buông xả là nó buông xả.

Tại sao mình chỉ muốn điều khiển người khác theo ý của mình mà bản thân mình lại không làm chủ được chính mình? Khi mình không thể làm chủ được chính mình thì làm sao có thể làm chủ được người khác. Vậy nên cái suy nghĩ rằng mình phải làm chủ người này người kia đó là một cái ý niệm sai lầm. Thậm chí cả con cái của mình thì mình cũng chỉ làm chủ được trong một giai đoạn nào thôi, đến khi chúng nó lớn lên rồi thì chúng cũng hết nghe lời mình.

Đức Phật thấy rằng việc mà mình muốn khống chế người khác, muốn làm chủ hoàn cảnh nó không đưa tới hạnh phúc mà chỉ đưa tới khổ đau. Trong khi nếu mình làm chủ được tâm ý của mình, chỉ để tâm ý mình sản xuất ra những năng lượng tích cực, nghĩ tới những điều thiện thôi thì mình sẽ có bình an và hạnh phúc. Cho nên tu luyện có nghĩa là phải luyện tâm của mình. Mà luyện tâm của mình về cơ bản đó là làm sao để nó đừng suy nghĩ phóng dật, luôn nghĩ tới quá khứ hoặc tương lai. Làm sao để mình có thể sống sâu sắc, cắm rễ sâu vào giây phút của hiện tại.

Trong bài kinh “Người biết sống một mình” tức là người biết tự chủ, biết làm cho mình có bình an và hạnh phúc mà không cần phải dựa dẫm vào các yếu tố bên ngoài. Bản kinh đó như thế này:

“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình.”

Đức Phật khuyến khích chúng ta sống vì người khác, sống trong lòng từ bi biết nâng đỡ, biết chia sẻ, biết quan tâm, biết yêu thương. Nhưng Ngài cũng khuyên chúng ta có lúc phải biết sống cho bản thân mình. Có những lúc mình phải ưu tiên chăm sóc bản thân mình nhiều hơn là quan tâm tới người khác. Vì khi mình thương yêu người nào đó mà mình không đủ khéo, không đủ giỏi thì mình làm khổ luôn người đó. Mình không thể giúp đỡ người khác trong khi bản thân mình lại đang chứa rất nhiều phiền não và nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Một người đang có phiền não, một người đang bị tổn thương tâm lý, một người đang có nhiều vấn đề bên trong mà đi làm từ thiện, đi giúp đỡ người khác, đi yêu thương người khác thì thế nào đối tượng bên kia cũng sẽ nhận lãnh rất nhiều những năng lượng tiêu cực. Đó là những đòi hỏi, những yêu sách, những năng lượng độc hại của ta mang tới cho họ.

Đức Phật khuyên chúng ta rằng những khi mình đang kiệt sức, đang không giữ được một phong độ tốt nhất thì cũng cần phải nên rút về nơi chính mình để làm mới con người mình lại, để nạp năng lượng lại, để làm cho mình được tốt hơn, hay hơn.

Mình vốn có thể là một người rất dễ thương, rất nhẹ nhàng, rất tử tế, rất bao dung độ lượng, nhưng trong quá trình mưu sinh, trong quá trình mình thương yêu một người nào đó, mình đã để cho mình xuống cấp, để cho phiền não nó trỗi dậy. Nó làm cho con người mình ngày càng khô cứng, căng thẳng, nhiều nghi ngờ, nhiều sợ hãi, nhiều phiền giận và dễ tổn thương. Ngay khi mình phát hiện ra con người mình như vậy thì mình phải dừng lại, quay về tu luyện trở lại.

Đức Phật tin rằng bất cứ nhân duyên nào có trong hiện tại cũng có thể làm cho chúng ta có hạnh phúc hết. Có điều là chúng ta có ý thức, có trân quý những nhân duyên đang có hay không. Hay là chúng ta lại cứ tiếp tục suy nghĩ về quá khứ, luyến tiếc những nhân duyên đã qua. Chúng ta không bao giờ có thể đem quá khứ trở về với hiện tại được, chúng ta không bao giờ có thể giải quyết một vấn đề đã xảy ra từ trong quá khứ được cả. Cái mà chúng ta có thể thay đổi được nó chỉ xảy ra trong giây phút hiện tại này mà thôi.

Cho nên một người tu luyện trên con đường tỉnh thức của đức Phật nhất định phải sống rất ít với quá khứ. Lâu lâu chúng ta nghĩ tới một vài điều gì đó đã qua để rút kinh nghiệm học hỏi thôi chứ đừng có để tâm mình trôi bồng bềnh lang thang trong những câu chuyện của quá khứ. Mỗi khi phát hiện tâm mình lang thang trong quá khứ thì mình lại đưa nó trở về với giây phút của hiện tại.

Đức Phật nói rằng hạnh phúc không có ở tương lai, hạnh phúc không phải là vấn đề của 5 năm hay 10 năm nữa, sau khi mình đạt được một cái mục tiêu gì đó. Tại vì mình cũng đã từng nghĩ như vậy, từng làm như vậy, mình đã từng đặt ra rất nhiều mục tiêu và mình đã đạt được hết nhưng mà mình vẫn không có hạnh phúc. Là bởi vì khi mình đã đạt được mục tiêu rồi thì cái tâm mình nó cứ nghĩ tới mục tiêu kế tiếp. Mình làm vừa hết việc này rồi thì tâm mình nó lại nghĩ tới cái việc kế tiếp chứ nó không có chịu dừng lại. Mà chưa dừng lại thì làm sao cảm nhận được cái gì là hạnh phúc. Cứ tiếp tục suy nghĩ như vậy, cứ tiếp tục lo lắng căng thẳng như vậy thì làm sao có hạnh phúc.

Cho nên Đức Phật mới nói rằng hạnh phúc chính là cái giây phút mà mình đang sống trọn trong hiện tại. Nó không tùy thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh, vì người kia dễ thương cho nên mình mới có hạnh phúc, vì người kia nghe lời mình, kính trọng, ngưỡng mộ mình thì mình mới có hạnh phúc. Cái đó là hạnh phúc đến từ bên ngoài và chúng ta đã mất mấy chục năm trời để đi tìm nó. Kết quả cuối cùng thì mình cũng có chút hạnh phúc đó, nhưng mà đau khổ thì nhiều hơn. Tại vì các pháp ở bên ngoài vốn là vô thường, chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt được nó hoài mãi, nó đến rồi nó đi, nó sinh rồi nó diệt, nó nghe lời mình rồi nó không nghe lời mình, nó như ý rồi nó bất như ý. Nếu mình cứ tiếp tục chạy theo ngoại cảnh như vậy thì mình sẽ khổ cả đời.

Mình tu theo sự tỉnh thức của Đức Phật là mình thực tập làm sao để mà mình có thể được trở về với chính mình nhiều hơn là hướng tới bên ngoài, quay vào bên trong nhiều hơn là hướng ra bên ngoài. Mình lo lắng cũng nhiều quá rồi, mình dự phòng cũng rất nhiều mà cuối cùng thì cũng có nắm bắt được gì đâu. Cuối cùng thì hạnh phúc thì ít mà khổ đau thì quá nhiều. Vậy thì bây giờ mình có nên thử lại cách mà Đức Phật bày cho chúng ta không, đó là bớt lo lắng cho tương lai, cái gì bỏ xuống được thì bỏ xuống.

Trong giáo lý Tứ Diệu Đế, Đức Phật xác nhận rằng nếu chúng ta cứ sống theo cái cách của mình như vậy, cứ tiếp tục đi tìm kiếm những cái hạnh phúc ở bên ngoài rồi mắc kẹt vào trong đó, vào danh, vào lợi, vào tài, vào sắc thì chúng ta sẽ khổ. Khổ là một sự thật. Có ai từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ khổ không, hay thật ra là chúng ta sống với khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Vậy thì khổ là một sự thật, đó gọi là đế thứ nhất, Khổ Đế. Nhưng đức Phật cũng chỉ ra nguyên nhân đưa tới khổ đau, gọi là Tập Đế. Nguyên nhân chính là do có tham sân si tham dự vào. Và Đức Phật cũng nói con đường thoát khổ, đi đến hạnh phúc, là Diệt Đế. Đó chính là khi diệt được tham sân si, làm chủ được tham sân si, chuyển hóa được tham sân si thì chúng ta sẽ hết đau khổ.

Vậy trong Tứ Diệu Đế, Đức phật không hề nói đến khổ đau là do ai gây ra cả. Đức Phật không hề cho rằng khổ đau là do hoàn cảnh hay là do người khác, mặc dầu hoàn cảnh đôi khi cũng rất là ngặt nghèo, và những người xung quanh, đặc biệt là những người thân yêu của mình đôi khi rất là khó chịu, đôi khi rất là nặng nề.

Tuy nhiên, nếu mình quản chế được tham sân si, mà nói gần hơn là nếu mình quản lý được tâm ý của mình, đừng cho tham sân si phát triển thì khổ đau sẽ chấm dứt. Nói một cách khác là một điều bất như ý xảy ra, một nghịch duyên, nghịch cảnh xảy ra mà không có cộng thêm vào tham sân si thì nó không còn là khổ đau nữa. Nói một cách khác một điều bất như ý mà nó không cộng với tham sân si thì nó chỉ là một điều bất như ý thôi. Một cái người mà không có tham sân si hoặc là quản lý được tham sân si sống chung với những điều bất như ý họ vẫn hạnh phúc được như thường.

Khó khăn biến cố là một cái điều rất tự nhiên trong đời sống, vì chúng ta đã đón nhận những điều như ý rồi thì chúng ta cũng phải đón nhận luôn những điều bất như ý. Nó là một cái tiến trình của duyên sinh, của nhân quả, nó ngoài tầm tay chúng ta. Chúng ta không bao giờ tránh né hết được đâu, chúng ta phải học cách đón nhận những khó khăn.

Như vậy, muốn hết khổ đau thì mình chỉ cần quản lý được tham sân si. Muốn vậy mình phải thấy được tham sân si đang sinh khởi, đang xuất hiện. Mình phải ngồi đó để chăm sóc chúng giống như một bà mẹ đang làm việc ở bếp hay là ở ngoài vườn mà nghe em bé khóc là bà mẹ lập tức bỏ hết công việc để đi vào phòng. Và hành động đầu tiên của bà mẹ đó là ẵm em bé lên. Khi mà em bé được bà mẹ ẩm trong vòng tay ấm áp, thân quen rồi, em bé sẽ nín khóc. Nhưng nếu em bé vẫn còn khóc thì bà mẹ cần nhìn sâu vào để xem tại sao em bé khóc, có thể em bé khát nước, em bé bị chật cái tã, em bé bị con kiến cắn chẳng hạn. Từ đó bà mẹ mới tìm cách để giúp đỡ em bé, làm cho em bé thoát khỏi tình trạng khó chịu đó.

Em bé đó có thể ở trong lòng của chúng ta, em bé đó là cơn giận, là sự giận hờn, là sự buồn tủi, là những nỗi sợ hãi của chúng ta. Mỗi khi chúng ta phát hiện mình đang có vấn đề, mình đang bất ổn, mình đang bất an thì một người tu luyện họ không có đồng nhất với cái cơn giận đó để họ trở thành cơn giận. Họ không hướng ra bên ngoài để tìm cái đối tượng nào đã làm khổ mình. Chỉ cần dừng lại, quay và bên trong để giải quyết những vấn đề của mình, giải quyết tham sân si của mình.

tu tâm