Trung đạo và thái độ khi hành thiền
Dù vài người trong số các bạn có thể trải nghiệm sự bình an nào đó khi ngồi thiền thì cũng đừng vội tự chúc mừng mình. Cũng như vậy, nếu có sự không thuận lợi nào đó cũng đừng tự trách mình. Nếu sự việc có vẻ tốt, đừng vui thích với chúng, nếu chúng không tốt thì cũng đừng ghét bỏ chúng. Hãy chỉ nhìn tất cả chúng, nhìn những gì bạn có. Hãy nhìn thôi, đừng bận tâm phán xét. Nếu nó tốt cũng đừng giữ chặt nó, nếu nó xấu cũng đừng bám theo nó. Tốt và xấu cả hai đều có thể làm ta đau, vậy nên đừng giữ chặt chúng làm gì.
Thực hành đơn giản là ngồi, ngồi và quan sát tất cả. Tâm trạng tốt và tâm trạng xấu sẽ đến rồi đi đúng như bản chất của chúng. Đừng chỉ khen ngợi tâm bạn hoặc chỉ chê trách nó, biết lúc thích hợp cho những việc này. Khi đến lúc chúc mừng thì hãy chúc mừng, nhưng chỉ một chút thôi, đừng làm quá lên. Và cũng giống như khi dạy trẻ, đôi lúc bạn có thể phải đánh nó một chút.
Trong lúc thực hành, đôi lúc ta cũng phải hành hạ mình, nhưng đừng hành hạ mình mọi lúc. Nếu bạn hành hạ mình mọi lúc thì chẳng bao lâu bạn sẽ bỏ thực hành. Mặt khác, bạn cũng không thể cứ cho mình được vui vẻ và coi nhẹ thực hành. Đó không phải là cách đúng đắn để thực hành. Cái ta cần chính là thực hành theo Trung đạo.
Đừng nghĩ rằng chỉ ngồi nhắm mắt là thực hành. Nếu bạn nghĩ thế này thì hãy nhanh chóng thay đổi tư duy của bạn. Sự thực hành đều đặn là có thái độ thực hành khi đứng, đi, ngồi và nằm. Khi xuất khỏi thiền tọa, hãy suy ngẫm rằng bạn chỉ đổi tư thế thôi. Nếu bạn suy ngẫm theo cách này thì bạn sẽ được bình an. Dẫu bạn có ở đâu, chỉ cần luôn giữ thái độ thực hành này với bạn, bạn sẽ có sự tỉnh giác vững vàn nội vi.
Những ai trong số các bạn mà sau khi ngồi thiền buổi chiều xong, sau đó lại đắm chìm vào tâm trạng của mình, bỏ cả ngày trời ra để tâm lang thang nơi nó muốn thì sẽ thấy rằng khi ngồi thiền vào buổi chiều hôm sau, tất cả những gì họ nhận được là những “vọng âm” từ sự suy nghĩ vu vơ cả ngày dài. Không có nền tảng nào cho sự bình tâm vì họ đã để nó bị lạnh nhạt cả ngày dài. Nếu bạn thực hành như vậy thì tâm bạn dần dần sẽ càng ngày càng xa rời thực hành. Khi tôi hỏi vài môn đệ của mình: “Việc hành thiền của con thế nào rồi?” Họ thưa: “Dạ, giờ thì hết cả rồi ạ!” Bạn thấy không? Họ có thể duy trì thực hành một hai tháng nhưng sau một hai năm thì thôi hết.
(Thiền sư Ajahn Chah)