Tình yêu chân thật

Chúng ta hầu hết không yêu dựa trên sự hiểu biết, mà chỉ yêu dựa trên cảm xúc cá nhân của mình, đó không phải là tình yêu chân thật.

Tình yêu chân thật

Sự hiểu biết này là trí tuệ, tiếng Pāli là “paññā”, được kết hợp từ pa (đúng) và ñā (hiểu biết), là sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất. Khi yêu ai, cảm xúc mạnh mẽ dễ khiến cho ta muốn áp đặt những điều kiện lên người mà mình đặt tình yêu cho họ. Trong tâm tưởng của mình, người mình yêu phải như thế này, phải như thế kia, phải được như thế này, phải được như thế kia, phải đối xử với mình như thế này, phải đối xử với mình như thế kia...

Cách yêu này thường làm cho ta chìm trong cảm giác đau khổ vì người mình yêu không được như ý với mình. Nếu có sự hiểu biết, ta sẽ thấu cảm được tâm tư, tình cảm và những mong muốn của người mình yêu. Nếu không thì bạn sẽ đóng khung tình yêu đó trong mong cầu của riêng mình, đó là sự ích kỷ trong tình yêu.

Đức Phật dạy rằng: Không hiểu thì không thể có được sự yêu thương sâu sắc, không thể có tình yêu thương đích thực. Tình yêu thương cần được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết.

Tình yêu chân thật dựa trên sự hiểu biết có đặc điểm là vô điều kiện, không đòi hỏi sự đền đáp. Người yêu chân thật luôn chung thủy, kính trọng lẫn nhau và luôn mang lại cho nhau nguồn năng lượng tích cực, giúp cho cuộc sống mỗi người đều trở nên hạnh phúc hơn. Ngược lại, tình yêu do sự yêu thích hay cảm xúc mãnh liệt nhất thời thì luôn có sự nghi ngờ, ích kỷ, tham lam, đòi hỏi, chiếm hữu, dẫn đến lo âu, bi lụy và khổ đau, rất nông cạn, mong manh, dễ đi đến nhàm chán và đau khổ.

Trong tình yêu, nếu hai người có sự tu tập thì tình yêu càng sâu sắc, bền vững và trọn vẹn hơn. Vì phần lớn nguyên nhân làm hủy hoại tình yêu là do cái tôi của mỗi người, những lời nói hay hành động của người này dễ làm phật ý người kia, mà việc tu tập đúng đắn sẽ làm giảm cái tôi đi nhờ có sự hiểu biết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: "Trong tình yêu chân thật, hai người cùng có chung một tương lai, khổ đau của người yêu chính là khổ đau của mình, hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của người yêu."

Tình thương đó phải là động lực để chúng ta làm cho người mình yêu được hạnh phúc, chứ không phải là đóng khung tình yêu của mình trong đam mê, ích kỷ và sự chiếm hữu. Bằng cách này, ta sẽ làm cho người mình yêu bị lệ thuộc và mất hết phẩm cách của tự do.

Ngược lại, nhờ sự thấu hiểu, ta thấy được những khó khăn, nỗi khổ của người mình yêu, nên ta sẽ luôn tìm kiếm phương cách để giúp người mình yêu thoát khỏi những hoàn cảnh bất như ý. Tình yêu dựa trên cảm xúc dù có mãnh liệt, cháy bỏng đến đâu cũng đều làm cho con người ta có cảm giác nặng nề, lo lắng và tiềm ẩn những nguy cơ tàn phá về cả tâm hồn lẫn thể xác. Còn yêu trong hiểu biết sẽ luôn mang đến niềm an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người mình yêu.