Khi vợ chồng không thể nói chuyện được với nhau

Câu hỏi:

Kính bạch Sư Ông, gia đình con, vợ chồng con không thể nói chuyện được với nhau. Con biết tu tập, nhưng đứng trước một lời nói xúc phạm, chê bai và không tôn trọng thì con khó kiềm chế lắm. Con đã thực tập hơi thở và thực tập quán chiếu là chồng của con có những đau khổ và không hài lòng về con, nhưng con vẫn chưa nói được lời ái ngữ.

Thầy Thích Nhất Hạnh trả lời:

Đó là tu chưa tới, cơm chưa chín. Khi quán chiếu thật kỹ, thấy người kia có nhiều khổ đau, khó khăn, bức xúc là tự nhiên trái tim mình mềm ra. Khi mình thấy tội nghiệp là trong trái tim sẽ ứa ra một giọt nước tình thương cam lộ, từ bi. Nếu giọt nước chưa ứa ra là do tu chưa tới, chưa thấy rõ tất cả những khổ đau, khó khăn, bức xúc của chồng. Nên vẫn còn có sự trách móc.

Nếu biết rằng người kia có quá nhiều khổ đau; hễ khi nói ra là nói những lời nặng nề, trách móc, lên án, buộc tội. Cho nên mình biết cái gốc là khổ đau, nếu người đó không khổ đau thì lời nói sẽ ôn hòa, dễ thương. Tại người đó quá khổ đau, quá bực tức. Hễ nói ra câu nào là câu nói đó phun nọc độc. Tại vì trong lòng mình không đủ từ bi, chưa có chất liệu của tình thương để bảo hộ cho mình, nên chất độc mới thấm vô. Hễ khi nào mình có lòng từ bi, có tình thương thì mình được tình thương đó bảo hộ. Dù người kia có nói những lời xúc phạm hay chửi mắng gì thì cũng không lọt vào trong mình được.

Từ bi là một chất liệu có khả năng bảo hộ cho mình. Khi có lòng từ bi thì dù người kia có la hét, mắng chửi thì mình vẫn thấy tội nghiệp vì người có quá nhiều đau khổ. Vì có quá nhiều đau khổ nên không có khả năng nói lời thương yêu. Mình không còn là nạn nhân của những lời nói đó vì mình đã được lòng từ bi che chở, và mình mỉm cười. Nếu mình chưa mỉm cười được và còn đau khổ với những câu nói đó thì mình chưa đủ chất liệu xót thương.

“Mẹ ơi nhìn lại để thương ba nhiều hơn, ba cũng có nhiều đau khổ lắm, nhưng mẹ không thấy được những đau khổ của ba nên mẹ mới chua chát, lên án buộc tội ba, mẹ mới đau khổ. Nếu mẹ thấy được ba đau khổ khó khăn, bức xúc thì mẹ sẽ thương ba. Cho dù ba có nói gì đi nữa thì mẹ cũng không đau khổ nhưng sẽ tìm cách giúp ba”.

Do tu chưa chín, nên mình chỉ thấy sơ sơ thôi, chưa thấy hết những khó khăn của người kia. Khi thấy được hết thì sẽ tội nghiệp, hiểu sẽ đưa đến thương. Hiểu ở đây là hiểu khổ đau của người kia và khi hiểu rồi thì trong tim sẽ ứa ra chất liệu của tình thương. Chất liệu của tình thương sẽ bảo hộ mình, không làm cho mình đau khổ khi người đó có những cử chỉ phũ phàng hay lời nói không dễ thương.

Hãy tu thêm, công phu phải đi tới thêm vài bước nữa, đừng đòi hỏi người đó thay đổi. Mình phải thay đổi mình trước,  phải tươi mát, dịu dàng. Khi mình đã thay đổi rồi, không trách móc, lời nói dịu dàng thì người đó bắt đầu thay đổi. Hạnh phúc, hòa bình bắt đầu từ chính mình, chuyển hóa bắt đầu từ chính mình. Cho nên bà phải chuyển hóa trước, tươi mát, dịu dàng, dễ chịu. Ông sẽ cần bà. Ông sẽ thấy bà là một đóa hoa tươi mát và ông sẽ mắc cỡ, sẽ thay đổi. Bà đừng chờ ông thay đổi và ngưng ngay những lời nói khó nghe. Bà không chịu thực tập để chuyển hóa, trở thành tươi mát và dịu dàng thì bà đừng mong ông thay đổi. Vũ khí của người phụ nữ là sự tươi mát, dịu dàng không trách móc. Nếu mình đã đánh mất những điều đó thì sẽ không còn hạnh phúc và không còn khả năng giúp người khác có hạnh phúc. Cho nên phải tu tập để khôi phục lại sự tươi mát, sự dịu dàng để có thể hiểu được, thương được và nói những lời ái ngữ với người kia được thì chắc chắn người kia sẽ thay đổi. Nhưng trước đó đừng trông chờ người kia thay đổi.