Chán nhà mặt phố, cặp vợ chồng dọn về nơi hoang vắng xây nhà vườn

Cảm thấy ngột ngạt khi sống ở phố thị, đôi vợ chồng có quyết định mà nhiều người cho là “khờ khạo”, đó là bỏ phố về quê, dọn về nơi hoang vắng xây nhà vườn.

xây nhà vườn

Như một lẽ tự nhiên, phần đông người trẻ có xu hướng bị hấp dẫn bởi nhịp sống năng động, nhộn nhịp ở phố thị. Những tòa nhà cao chọc trời, những cửa hàng, cửa hiệu lung linh, tụ điểm vui chơi xa hoa… luôn có sức hút với giới trẻ. Tuy nhiên, cuộc sống nơi thành thị đôi khi cũng khiến người ta cảm thấy ngột ngạt với nhiều áp lực đè nặng lên vai.

Chính vì vậy, ngày nay có không ít người đi ngược xu thế. Họ có xu hướng rời bỏ nội đô ồn ào và chật chội để kiếm tìm không gian sống riêng tư mà thoáng đãng, an nhiên giữa thiên nhiên, cỏ cây, nắng gió.

Chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi), bà mẹ hai con đến từ Đắk Lắk, chính là một người yêu thích phong cách sống chậm giữa thiên nhiên như thế.

Trước đây, gia đình chị sống trong một căn nhà mặt phố, ở ngay trung tâm huyện. Hằng ngày, chị ở nhà vừa chăm sóc hai con nhỏ vừa kinh doanh online mặt hàng cho mẹ và bé, kiêm bán đồ ăn sáng trước cửa nhà.

Sống ở trung tâm huyện, khu dân cư nhộn nhịp, đông người qua lại, do đó công việc kinh doanh quán ăn mang đến cho chị thu nhập khá ổn định. Suốt gần 4 năm sinh liền hai con nhỏ, chị vừa ở nhà nội trợ, vừa buôn bán.

Tuy kinh tế ổn định nhưng đôi khi chị Thảo cảm thấy ngột ngạt khi sống giữa phố huyện đông đúc, xô bồ: “Mình luôn cảm thấy buồn và bức bối. Với công việc bán đồ ăn sáng và kinh doanh online, mỗi ngày mình đều thức dậy từ 3 giờ sáng, loay hoay tới 10 giờ trưa.

Nhà ngoài phố, không có sân vườn. Cửa cổng lúc nào mình cũng phải đóng chặt vì xe cộ qua lại suốt ngày, bụi bặm và rất ồn ào. Bố mẹ bận rộn, thành ra hai bé nhà mình cứ bị “nhốt”” một góc trong nhà. Rất nhiều lần bé than vãn là con chán, con buồn, sao bố mẹ không cho con ra ngoài đi chơi như các bạn, con không có chỗ vui chơi.

Chồng mình cũng buôn bán, thu mua trái cây, hôm nào bố ở nhà, con còn vui được chút. Hôm nào bố đi làm cả ngày là 3 mẹ con chỉ biết đóng chặt cửa. Buồn vô cùng”.

Thương hai con nhỏ quanh năm suốt tháng lớn lên trong 4 bức tường, không có không gian vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, đồng thời, chị Thảo nhiều khi muốn trồng hoa, trồng rau, nuôi thêm gà, vịt… cũng không có chỗ vì đất chật, nhà nhà sát vách nhau.

Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô vị, đặc biệt là thiếu môi trường để con cái phát triển toàn diện, chị Thảo bàn với chồng và đưa ra quyết định khiến nhiều người bất ngờ.

“Cuộc sống của mình có lẽ cứ trôi qua tẻ nhạt, mấy mẹ con sống thu mình trong 4 bức tường, muốn ăn gì từ cọng hành trở đi cũng phải chạy đi mua… như thế. Cho đến một ngày, hai vợ chồng bàn nhau mua mảnh đất nào rộng một chút, có thể tự trồng trọt, chăn nuôi, làm những điều mình muốn để cuộc sống ý nghĩa. Đặc biệt, con nhỏ sẽ có nơi chạy nhảy, nô đùa, hoà mình cùng thiên nhiên để con thấy hạnh phúc hơn”.

Nghĩ là làm, đôi vợ chồng trẻ đến từ Đắk Lắk quyết định chuyển về vùng ven, cách xa phố huyện. Lựa chọn này khiến nhiều người bất ngờ. Thậm chí, họ còn cho rằng chị Thảo và chồng quá khờ khạo, lạ lùng khi đang sống nơi trung tâm phố huyện, mọi tiện nghi đều đầy đủ lại bỗng dưng “chui” về nơi buồn tẻ, hẻo lánh sống. Tuy nhiên, chị Thảo cho hay, vợ chồng chị vẫn “chốt” mảnh đất rộng 3 sào, quyết tâm khai hoang, cải tạo nơi hoang vắng này thành căn nhà vườn hằng ao ước.

Theo chị Thảo, cuộc sống này không quá dài nhưng cũng không phải ngắn để duy trì lối sống tạm bợ, qua ngày. Vợ chồng chị muốn xây một chốn bình yên để hai con nhỏ có không gian sống hòa cùng thiên nhiên, hạnh phúc với cuộc sống “tự cung tự cấp”, mỗi ngày không tốn một đồng tiền chợ vẫn tha hồ ăn ngon, sạch. 

Bán căn nhà phố, gia đình nhỏ dọn về nơi hoang vắng hơn xây nhà vườn. Thời điểm ấy, kinh tế của họ không mấy dư dả. Việc cải tạo, xây dựng tổ ấm mới chủ yếu do vợ chồng chị tự lên ý tưởng rồi bắt tay vào làm dần dần.

“Để quyết định mua mảnh đất này chuyển đến ở, mình cũng suy nghĩ, đắn đo mất cả tháng trời. Sợ sức mình không đủ bắt đầu mọi thứ từ đầu. Rồi mảnh đất rộng 3 sào này bỏ hoang đã rất lâu, nếu về sẽ mất rất nhiều công sức, tiền bạc cải tạo.

Đất lại xa trung tâm, không gần đường sá, bất tiện cho công việc hiện tại. Nhưng vốn yêu thiên nhiên, thích làm vườn và thực hành lối sống đơn giản, đồng thời muốn con có nơi thoáng mát, rộng rãi, tha hồ vui chơi chạy nhảy, mình quyết định dọn dẹp về đây ở”, bà mẹ 2 con nhớ lại.

Ròng rã 2 tháng trời, chị Thảo cùng chồng phải nghỉ việc, dành toàn tâm toàn ý xây dựng tổ ấm mới. Ban đầu, họ bắt tay dọn dẹp, phát hoang bụi rậm, cây cối, làm đất.

“Mỗi ngày, vợ chồng mình tranh thủ phát quang, làm đất, sau đó lên luống rau luôn. Mình trồng tất cả các loại rau củ quả như: Bầu, bí mướp, xà lách, rau cải, cà chưa, dưa leo, mồng tơi… Nuôi thêm gà, vịt, bồ câu, ngỗng… Vườn rộng nên mất nhiều thời gian. Mỗi ngày, vợ chồng mình đều thức dậy từ tờ mờ sáng, chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi như những người nông dân chính hiệu.”

Hiện tại, bao nhiêu mồ hôi, công sức của đôi vợ chồng trẻ đến từ Đắk Lắk đã giúp họ thu được nhiều “quả ngọt”. Chị Thảo cho hay, trước đây, mỗi ngày chị mua thức ăn hết từ 150.000 – 200.000 đồng. Tuy nhiên, đã từ lâu, gia đình 4 người hầu như không tốn chi phí cho tiền chợ.

“Hằng ngày, mình cùng các con sẽ dạo quanh vườn, tự tay hái rau củ sạch, trái ngọt do chính tay mình trồng. Sau đó mình sẽ vào bếp nấu một bữa cơm cho chồng con, cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, ý nghĩa thực sự. Từ khi về đây trồng trọt, chăn nuôi, mình đã tự cung tự cấp được, lâu rồi không mất đồng nào mua thức ăn cả. Nhà mình ăn cũng đơn giản, rau củ sạch, thêm chút thịt gà, vịt, hay trứng gà… là đã có bữa cơm ngon, siêu sạch”.

Không chỉ tiết kiệm chi phí ăn uống, từ khi chuyển về ngoại ô, chị Thảo hạnh phúc khi nhìn thấy hai con nhỏ được chơi đùa vui vẻ, hít thở không khí trong lành và sống hoà mình giữa thiên nhiên, đất trời. Hằng ngày, chị sẽ dẫn con cùng ra vườn trồng, chăm sóc và tự tay hái quả ngọt quanh do vườn mẹ trồng.

Đôi vợ chồng trẻ cho hay, họ cảm thấy bao vất vả, cố gắng giờ đây đã được đền đáp xứng đáng. Họ có cuộc sống an nhiên, đầy sắc màu mỗi ngày. Tinh thần, sức khỏe cũng được cải thiện theo thời gian.

Cuộc sống tại nơi ở mới giống như một kỷ nghỉ dưỡng bất tận, nơi chị Thảo cùng gia đình nhỏ được hàng ngày tận hưởng trọn vẹn không gian sống thư thái với mùi hương của cây lá, màu sắc của hoa, hương vị ngọt lành của những món ăn chế biến hoàn toàn tự nguyên liệu tự nuôi trồng.

(Ngân Hà)